
Thầy Mitchell Willcox, giảng viên tiếng Anh tại Language Link Việt Nam nhận xét: "Học sinh Việt Nam ham học và năng động! Các em cũng có nhiều công cụ hơn so với bố mẹ và ngay cả anh chị mình: máy tính, máy ảnh, máy quay, quần áo, phụ kiện… và thái độ cởi mở hơn rất nhiều từ môi trường xung quanh.
Vậy nên, tôi khuyến khích các em tiếp cận tiếng Anh bằng tất cả các cách có thể, không nhất thiết là bài tập và sách vở". Sau đây là một số gợi ý của thầy để các thí sinh cấp tốc nâng cao kỹ năng Nói cho bản thân.
Vai trò của các yếu tố
phi ngôn ngữ
Theo các nhà khoa học, trong
quá trình giao tiếp, lời nói bao gồm ba yếu tố: ngôn ngữ, phi ngôn ngữ (hay còn gọi là ngôn ngữ của
cơ thể) và giọng điệu. Ngôn ngữ, chỉ góp phần nhỏ nhất 7% trong việc tác động đến người nghe, giọng
điệu chiếm tới 38% và yếu tố phi ngôn ngữ lại trở nên quan trọng nhất vì sở hữu được 55%.
Do vậy,
theo thầy Mitchell, vấn đề không còn chỉ dừng lại ở việc một học sinh giỏi tiếng Anh đến đâu, mà là
học sinh ấy dùng tiếng Anh để diễn đạt cái gì, và đặc biệt là diễn đạt ý tưởng của mình như thế
nào. Nhiều kết quả nghiên cứu cũng đã chứng minh cho tính đúng đắn của quan điểm này. Khi một người
nghe 100%, họ sẽ chỉ lưu tâm một phần nhỏ những nội dung nghe được.
Điều ảnh hưởng nhiều nhất đến
người nghe, cũng như khả năng thành công của cuộc đối thoại là các yếu tố phi ngôn ngữ, gồm giọng
nói, ngữ điệu, và ngôn ngữ cơ thể. Vì thế, thầy Mitchell gợi ý các em học sinh nên luyện tập cả
những kỹ năng này, bên cạnh vốn từ và hiểu biết xã hội để bổ trợ cho kỹ năng Nói. Nó sẽ không chỉ
giúp các em toả sáng trong kỳ thi sắp tới, mà còn rất hữu ích đối với các em sau này!
Thầy Mitchell cũng chia sẻ
thêm, trong phần thi nói, ngoài tiêu chí phi ngôn ngữ như đã đề cập ở trên, các thí sinh sẽ được
chấm điểm dựa trên 4 tiêu chí khác bao gồm: phát âm (pronunciation) phải rõ ràng, nhấn trọng âm;
ngữ pháp (grammar) phải chính xác và đúng cấu trúc câu; từ vựng (vocabulary) phải rộng theo độ tuổi
của học sinh và phải trôi chảy (fluency), tự nhiên.
Làm Vlog để giỏi tiếng
Anh
Vlog, hay Video Blog, là một
dạng nhật ký điện tử, trong đó nội dung được thể hiện dưới dạng clip hình ảnh và âm thanh sống
động. Thời gian gần đây, trong cộng đồng mạng nổi lên một số Vlog có lượng lượt xem rất lớn, nhận
được sự ủng hộ và đồng tình của đông đảo các bạn học sinh, sinh viên ở ViệtNam. Theo thầy
Willcox, đây là một hoạt động rất thú vị, và các em học sinh hoàn toàn nên thử kết hợp sở thích này
của mình với hoạt động học tiếng Anh, đặc biệt để luyện kỹ năng Nói.
Theo đó, việc chuẩn bị kịch
bản cho đoạn clip sẽ giúp các em tìm tòi và huy động tối đa vốn từ cũng như sắp xếp ý tưởng của
mình sao cho logic, hợp lý và gọn ghẽ nhất. Việc nghe lại được giọng nói nhiều lần cũng sẽ giúp các
em dễ dàng phát hiện điểm mạnh và điểm yếu của mình trong cường độ, trường độ khi nói, cũng như
trong việc nhấn mạnh vào câu, từ, hay ý nhất định, giúp người nghe dễ dàng theo dõi và nắm được ý
của người nói hơn.
Đặc biệt, việc xem lại được toàn bộ bài nói của mình cũng sẽ giúp các em rất
nhiều trong việc đánh giá phần trình bày của mình từ vị trí của người đối diện. Nhờ vậy, các em có
thể chủ động hơn trong việc điều chỉnh các yếu tố phi ngôn ngữ để bài nói của mình sinh động và
hiệu quả hơn.
Cuối cùng, theo thầy Mitchell,
mấu chốt của kỹ năng Nói là từ vựng, hiểu biết, và các yếu tố phi ngôn ngữ. Làm Vlog là một cách
hay, nhưng mỗi em hoàn toàn có thể tự tìm ra những cách hay hơn và phù hợp hơn với sở thích, tính
cách và điều kiện sống của mình để rèn luyện những kỹ năng này. Thầy tin rằng chỉ khi tiếng Anh gắn
với những hoạt động ưa thích của học sinh, ngôn ngữ này mới thực sự đi vào đời sống của các em, các
em mới ham thích học tập và rèn luyện, nhờ vậy mà tiến bộ không ngừng.
Source: dantri.com.vn